EM LAN, CÔ LỰU SẼ VỀ ĐÂU?
"EM LAN, CÔ LỰU SẼ VỀ ĐÂU?"
1/ Khi chúng ta bàn với nhau là 100 năm nữa, cải lương còn không, tức là chúng ta đang tự hỏi giản dị, hình tượng mà dễ hiểu "Em Lan, cô Lựu sẽ về đâu?", "Thái hậu Dương Vân Nga sẽ trao long bào ... ở chỗ nào khi mà Nhà hát Trần Hữu Trang - giang san cuối cùng của cải lương - không đủ chỗ cất ... cái long bào đó?". Và ngó lại, có ai xứng làm Lan cho Điệp thổn thức? Xứng làm Dương Vân Nga cho ... Đinh Tiên Hoàng cũng xiu lòng khi áo của mình mà Lê Hoàn mặc cũng lộng lẫy y chang?
2/ "Lan đi tu, Lựu đi tù" là kết thúc của 2 vở tuồng nổi tiếng. Tất nhiên, Lựu của Bà Phùng Há (trước 1975) cũng đi tu, còn Lựu của Cô Ba Bạch Tuyết ( Đoàn 284) thì ... đau đớn tra tay vào còng và đứng hình với câu thoại: "Ra tay đi. Lựa là phải hỏi?". Màn khép lại, khán giả thiếu niên thấy sao má mình, bà nội bà ngoại mình khổ quá? Khán giả trung niên thấy mình thấp thoáng một trái tim nhiệt huyết và bao dung đàn ông của Võ Minh Thành. Ngôn ngữ sân khấu chỉ nói được bao nhiêu đó. Ngôn ngữ phim sẽ nói rộng hơn (mà chưa chắc trọn vẹn hơn): Bà Lựu cần ông Thành gọi một tiếng "mình" và hôn vào bờ vai thương khó nhiều chịu đựng của bà. Khi người đàn bà thất tiết không phải do trắc nết - mà do vết đổ của bánh xe lịch sử - họ hoàn toàn vô tội...
3/ Bao năm, mình vẫn tin ... Lan làm cô giáo mầm non chứ không phải đi tu. Anh Điệp cũng vậy, lấy xong bằng Thành Chung, về quê dạy Tiểu học, sống đúng bổn phận với "Tứ thân phụ mẫu" (Mà một bên là mồ côi cha, một bên mồ côi mẹ) thì đúng là ... không có tuồng để hát. Không có bi kịch làm sao thành tác phẩm? Khi có bi kịch trong cuộc sống, người nghệ sĩ chuyển thành tác phẩm nghệ thuật, định hình ở loại hình nào (âm nhạc, sân khấu, điện ảnh) là tùy vào thực tế tiếp nhận và gu thẩm mỹ nghệ thuật của thời đại. Không thể ép khán giả ngồi suốt 120 phút trong cái rạp (chật chội, thậm chí hôi hám), dù có nỗ lực giảm xuống còn 90 phút / vở tuồng ... cũng lê thê lắm so với nhịp sống hiện nay. Cắt gọn và phải sáng tạo bài bản mới, chứ cắt gọn mà bài bản như cũ thì chỉ là chắp vá mà thôi. Ví dụ, cần để 2 câu vọng cổ, Điệp mới nói hết nỗi lòng với Lan: vong ơn bác Tú, anh phụ tình em, với thời gian là 3 phút (hơn nữa), trong khi đó, ngôn ngữ điện ảnh chỉ cần 30 giây là xử lý xong nội dung tương tự.
4/ Học đủ 20 bài bản tổ. Học đủ bài vọng cổ 6 câu. Học đủ khoảng 100 điệu lý Nam Bộ (và các miền văn hóa khác).... Thì mới bắt đầu HIỂU ĐÚNG bản chất của cải lương. Từ chỗ hiểu đúng cho tới chỗ SÁNG TẠO là khoảng cách khá xa và tốn khá nhiều công sức. Rất khó làm đúng, chưa nói tới làm hay. Ví dụ, 10 năm sau, Hoa hậu Nam Em có con, ru con; Hoa hậu H'Hen Niê cũng có con và ru con.... Bạn nghĩ sao khi Nam Em phải ru con mà lời ru ngọt như nước dừa Bến Tre hay thấm vị vú sữa Vĩnh Kim? Còn lời ru của Hen phải mang sắc hoa cà phê trắng muốt và thấp thoáng bậc thang của Nhà Rong Tây Nguyên? Nghệ thuật đòi hỏi như thế. Nghệ thuật là tổng hòa của văn hóa và đời sống sinh động trong thực tiễn.
5/ H'Hen Niê khá thông minh khi em nói là sẽ mang hạt cà phê quê nhà đi xa hơn (Chứ không phải là bánh mì Sài Gòn em nhé). Em làm cho người ta yêu Tây Nguyên hơn. Mèn ơi, màu da của em rất hợp với màu cà phê pha đúng chất (không có tạp chất làm cho sánh hơn, đậm hơn, kèo kẹo dính dấp cái giả vào môi). Vậy nhe, chúc em thành công. Còn cuộc đời những thân hoa dáng ngọc như em, nếu có gặp bi kịch, phim truyền hình hay phim điện ảnh sẽ thể hiện tốt hơn (có người xem, có doanh thu, để tái sản xuất). Lẽ nào, mình làm ông gác cổng nhà H'Hen Niê, đeo tai nghe vọng cổ mà rảnh ra thì viết ... kịch bản phim?
TPHCM 19/12/2018